Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Tuần XV Mùa Thường Niên - Năm B (Mc 6,7-13) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN XV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Mc 6,7-13

Noel Quesson - Chú Giải

Chúa gọi Nhóm Mười Hai lại, và sai đi từng hai người một.

Một trong những việc làm đầu tiên của Đức Giêsu, ngay từ bắt đầu cuộc sống công khai, là chọn những cộng tác viên (Mc I,16). Sau khi đã dần dần bổ sung nhóm môn đệ (Mc 2,14), cuối cùng Đllc Giêsu đã chọn 12 vị. Con số tượng trưng ám chỉ ý định của Người muốn thành lập một dân tộc Ít-ra-en mới, dựa theo mười hai Tổ phụ hay mười hai Chi tộc. Trong phần đầu của Tin Mừng, chúng ta thấy các Tông đồ đi theo Đức Giêsu và ở "với Người" (Mc 3,14).

Hôm nay, có thể nói, Đức Giêsu sắp ẩn mình đi và trao phó sứ vụ của Người trong tay các tông đồ. Lần đầu tiên các ông đi rao giảng một mình, không có Đức Giêsu. Đó là thời kỳ Giáo Hội đang bắt đầu. Trước tiên, chúng ta có thể cầu nguyện dựa trên thái độ này của Người: Thiên Chúa của chúng ta, Người trao cho chúng ta những trách vụ quan trọng: Người không điều khiển chúng ta như những con rối. Tôi có những trách nhiệm nào? Lạy Chúa, Chúa chờ đợi gì nơi con?

Chúa sai họ đi.

Trong năm chương đầu của trình thuật, Máccô đã nhấn mạnh cho chúng ta thấy "Đức Giêsu với các môn đệ", tạo thành một nhóm duy nhất và hợp nhất đối lại với đám đông, với các đối thủ. Vào lúc "kêu gọi" các ông (Mc 3,13-14), Mác-cô ghi nhận, Đức Giêsu đã "thiết lập Nhóm Mười Hai" để ở với Người và để Người "sai họ đi". Đó cũng chính là chuyển động của trái tim: Tâm trương… tâm thu... máu vào tim rồi chuyển đến các cơ quan. Hoạt động tông đồ thông thường cũng như thế: Sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, mang Đức Kitô đến khắp nơi trên thế giới. Đó cũng là hoạt động của đời sống Kitô hữu: Tập họp quanh Chúa vào mỗi Chúa nhật, tản mác trong cuộc sống hằng ngày để nên nhân chứng sống động của Chúa.

“Anh hãy đi! Anh em được sai đi" "Ite, Missa est" chữ Messe (thánh lễ) có nghĩa là "sự sai đi". Chính Chúa đã thiết lập nhịp sống đó. Tôi có sống như thế không? Tôi có thường sống "với Chúa" trong suy niệm, trong nguyện cầu không? Tôi có ý thức mình được Chúa "sai đi" vào đời sống thường nhật để làm một việc gì đó, có liên quan đến Chúa không?

Người sai đi từng hai người một.

Phải có hai người thì chứng tá mới có giá trị (Ds 17,6-19,5). Dân gian đã khôn ngoan đặt ra nhiều câu ngạn ngữ để nói về điều này. "Hai người có giá trị hơn một..., nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy, nhưng khốn cho kẻ đi một mình" (Gv 4,9).

Quy tắc đầu tiên của việc tông đồ là tạo thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu, trước khi bàn tới. "Các bạn hãy nhìn xem họ thương nhau biết bao!". Chứng tá Kitô hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Đó là ý muốn rõ ràng của Đức Giêsu. Vậy tôi phải tự vấn về thái độ của tôi. Chủ nghĩa cá nhân có những hình thức tinh vi và đáng sợ: Chúng ta không thích những người anh em khác kiểm tra thái độ sống của riêng mình... Tuy nhiên?

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, trừ cây gậy; không được mang lương thực, mang bao bị, mang tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.

Điều đáng lưu ý là chúng ta không thấy Đức Giêsu dặn dò các Tông đồ về nội dung giáo thuyết, "Sứ vụ” của các ông. Chúa không bảo các ông “phải giảng điều gì". Người chỉ nhắc nhở các ông những chi tiết "phải sống". Đối với Đức Giêsu, chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chúng tá bằng lời nói.

Thực tế lời khuyên duy nhất của Thầy liên quan đến đòi hỏi sống nghèo khó. Những người đại diện Chúa phải tỏ ra mình không cậy dựa vào sự giúp đỡ, vào uy tín nào của con người. Tất cả chỉ dựa vào niềm tin nơi Đấng đã sai họ. Thánh Phaolô sẽ khai triển đòi hỏi này khi khẳng định: "Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời lên gương mặt Đức Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình đất, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi" (2 Cr 4,6-7). Thánh Phaolô cũng khoe về sự nghèo khó của mình: "Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời nói hùng hồn hoặc triết lý cao siêu... nhưng tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy... có vậy đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa" (l Cr 2,1-5).

Vâng, điều Đức Giêsu muốn, đó là những đoàn ngũ phải nhẹ nhàng, không có những hành trang cồng kềnh, luôn sẵn sàng đi nơi khác... Lữ khách, phải là người sẵn sàng. Có lẽ, Giáo Hội không ngừng tự "làm.. nhẹ bớt" để sẵn sàng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần.

Còn tôi? Tôi sống thế nào trước đòi hỏi nghèo khó này? Đức Giêsu đã nói rõ với các bạn hữu của Người, chỉ mang theo những vật hết sức cần thiết. Chiến thắng sự cám dỗ của tiền bạc là chiến thắng đầu tiên của Tin Mừng, là bài giảng đầu tiên rất cần thiết cho một thế giới tham lam, là trận chiến hàng đầu (nơi chính bản thân mình trước hết) chống lại một kẻ thù lớn của nhân loại: Sự chiếm hữu của cải! Nguồn gốc của chia rẽ, tranh chấp và kiêu ngạo!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đến gần lý tưởng từ bỏ mà Chúa mong muốn.

Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.

Chúng ta ngạc nhiên vi tầm quan trọng của thái độ khước từ “tiếp nhận" trong diễn từ của Đức Giêsu. Nhưng môn đệ của Người có thành công lắm không? Hình như không được khá lắm. Người ta dễ dàng đoán được những ý nghĩ: "Các ông muốn chúng tôi trở lại chăng? Nhưng hiện nay chúng tôi rất tốt! Chúng tôi là những người Do Thái tốt theo truyền thống. Tại sao phải thay đổi những thói quen của chúng tôi? Xin các ông hãy đi giảng đạo nơi khác" Những khó khăn của Kitô hữu khi trình bày đức tin không phải chỉ ngày nay mới có, Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: "Các con chớ có lo lắng. Đây là điều Thầy đã tiên liệu, Thầy đã báo trước cho các con". "Chúng ta chớ nên ảo tưởng".

Ngày nay cũng như thời Đức Giêsu sứ điệp đích thực của đức tin vẫn bị đa số khước từ, không đón nhận. Vì thế điều Đức Giêsu yêu cầu chúng ta là: Luôn đứng vững đừng ngã lòng: "Nếu người ta không tiếp nhận các con, các con hãy đi nơi khác". Chịu đựng thái độ không tin, lãnh đạm, chối bỏ… điều đó xem ra hết sức bình thường đối với Đức Giêsu... "Sự thật là khó khăn. Đức Giêsu đã báo trước điều đó cho những người được sai đi rao giảng Tin Mừng.

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Họ đã làm đúng những gì họ thấy Đức Giêsu làm khi họ "ở với Người". Nội dung của nỗ lực "truyền giáo" gồm 3 giai đoạn:

1. Rao giảng lời Chúa, đòi hỏi một sự thay đổi đời sống, một cuộc hoán cải...

2. Chiến đấu chống sự dữ, xua đuổi ma quỷ ra khỏi con người để giải thoát họ.

3. Hoạt động giúp người nghèo, cải thiện đời sống và chữa lành bệnh tật.

Hoán cải...

Đó là nội dung thứ nhất của việc rao giảng: Hãy thay đổi cách sống. Hãy hoán cải. Chúng ta hiểu vì sao các Tông đồ được ít người nghe theo và bị từ chối. Thông thường, con người không thích "thay đổi" cách sống: Hãy để cho chúng tôi yên! Thế mà, Thiên Chúa lại hay gây phiền hà, Người yêu cầu chúng ta dấn thân vào một cuộc sống mới. Chữ Hy Lạp "mitanoa" dịch ra là "hoán cải", có nghĩa là “đổi ngược tinh thần". Vậy là phải đổi hướng: Chúng ta đã đi theo một hướng, bây giờ phải quyết tâm đổi ngược lại. Đây không phải là điều dễ. Tin Mừng luôn mang tính ác liệt Chúng ta đã biến Tin Mừng trở nên loại gì? Một thứ học thuyết thiếu năng động? Một thứ thuốc ngủ? Một thứ nâng đỡ cho trật tự hiện hành? "Các Ngài đã kêu to" “ékèruxan" phải thay đổi cuộc sống "Metanoôsin".

Trừ quỷ...

Chắc hẳn Máccô đã dùng những cách mô tả theo tâm thức của những người đương thời, nhưng rõ ràng sứ vụ mang tính chất bi kịch. Đó là một cuộc chiến! Một cuộc chiến chống lại quyền lực của sự dữ trên thế giới. Những "nhà truyền giáo" những người được Chúa "sai đi" không quảng cáo cho một sản phẩm để bán chạy. Các Ngài đã lên đường để đương đầu với một đối thủ ghê gớm. Sự chống đối mà các Ngài gặp không chỉ đến từ những người khước từ vì không hiểu. Có một lực lượng đối kháng. Một sự chống lại Tin Mừng đến từ xa hơn: Đó là những điều chúng ta gọi là 'Tội lỗi thế gian". Ngày nay. chúng ta có thể diễn tả thế nào về những thế lực xấu xa mà chúng ta phải chống lại để xua đuổi chúng.

Chữa lành...

Lôi kéo con người ra khỏi những thế lực xấu làm cho họ hư mất, đó cũng là giúp họ thăng hoa phẩm giá một cách tích cực, là chữa lành họ. Đây là một trong những đòi hỏi rõ ràng của Đức Giê sụ. Mệnh lệnh vẫn có giá trị, mặc dù trong bối cảnh văn minh hiện nay, nó mang một hình thức cụ thể khác.

Rao giảng Tin Mừng. Không phải chỉ là "giảng dạy" mà đặc biệt còn là "giải thoát". Ngày nay rao giảng Tin Mừng phải có những hình thức tân tiến và thích ứng thế nào để phù hợp với thời đại của chúng ta? Chúng ta phải chiến đấu chống lại những sự dữ nào? Xã hội chúng ta cần sự chữa lành nào?

Tin Mừng vẫn luôn mang tính thời sự, nhưng chính chúng ta không còn nghe được lời kêu gọi hoán cải của Tin Mừng nữa.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

 "Người bắt đầu sai các ông đi"

BÀI TIN MỪNG: Mc 6, 7-13

I. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện Chúa Giêsu sai phái 12 tông đồ đi thực tập truyền giáo, đồng thời Người dặn bảo các ông về cách thức và mục đích của việc truyền giáo. Sứ mệnh Chúa trao cho các tông đồ cũng là sứ mệnh của Giáo Hội và mỗi người chúng ta.

II. SUY NIỆM:

1/ "Chúa Giêsu gọi 12 tông đ":

Chúa Giêsu đã triệu tập 12 tông đồ để huấn luyện nay Người muốn cho các ông đi thực tập truyền giáo.

* Và sai từng hai người đi: Chúa sai từng hai người đi là để giúp đỡ nhau, biểu lộ tinh thần liên đới và hiệp nhất của người tông đồ đồng thời cũng để làm chứng tích sống động về điều họ rao giảng là cộng đoàn huynh đệ yêu thương. Người ta cứ dấu đó mà biết họ là môn đệ của Chúa Kitô.

* Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Để tạo uy thế cho việc rao giảng, Chúa Giêsu ban cho các ông " Có quyền trên thần ô uế ".

+ Quyền: ở đây là quyền trừ quỷ và chữa các bệnh tật (Mt 10, 8; Lc 9, 1). Quyền này thuộc về Thiên Chúa, nhưng các ông được ban cho là do lời cầu nguyện và đức tin (Mc 9, 18 - 19; 22 - 23; 28 - 29; 11, 22 - 24).

+ Thần ô uế là những sức mạnh chống lại Thiên Chúa, ô uế là vì chúng biểu lộ giữa loài người một sức mạnh chống đối với sự thánh thiện của Thiên Chúa và của dân Người (Mt 8, 16 - 17; Mc 1, 34; 3, 10 - 11; Lc 4, 39).

2/ "Và Người truyền cho các ông đi đường đừng mang gì":

Đây là những lời dặn dò về cách thức khi đi truyền giáo.

+ Đừng mang gì: có nghĩa là từ bỏ mọi dính bén để hoàn toàn phó thác cho Chúa quan phòng.

+ Ngoài cây gậy: chi tiết này được kể lại cách khác nhau giữa Mc và Mt và Lc, là vì theo thói quen người Hy lạp và người Do thái. Đi đường mang theo gậy có hai ý nghĩa: Gậy là cái cần phải có để chống mà đi đường, những người nghèo thường dùng, thì được phép mang đi (Mc hiểu theo nghĩa này), Còn gậy là cái cầm tay để cho oai vệ, những người giàu có thường mang, là đồ vô ích nên không được mang đi (Mt và Lc hiểu theo nghĩa này).

+ Không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi: Người tông đồ không chuẩn bị gì để lên đường dù là đồ vật hay là tiền bạc, để thực sự sống phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng.

+ Nhưng chân đi dép: Mc cho đem dép (Mc 6, 9). Mt thì cấm (Mt 9, 10). Còn Lc 10, 9 thì không nói tới. Chi tiết này được các Thánh sử kể lại khác nhau cũng giống như ý nghĩa của việc mang gậy. Điều này chứng tỏ kiểu nói của Chúa ở đây không nên hiểu theo nghĩa hẹp hòi quá.

+ Đừng mặc hai áo: vì hai áo trái với đức khó nghèo tuyệt đối và trái với lòng tin phó thác. Những chi tiết trên đây nói lên tinh thần tông đồ sẵn sàng theo Đức Kitô trong sự từ bỏ hoàn toàn. Như vậy, trách vụ mang Tin Mừng và trung thành với Tin Mừng được sống trong điều kiện khó khăn và đòi hỏi phải từ bỏ mọi sự ràng buộc khác.

3/ "Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi":

Theo phong tục Đông Phương, người ta rất hiếu khách, nên khi đã vào ở nhà nào rồi thì ở đó luôn cho đến khi ra đi. Vì thế khi tự ý thay đổi chỗ ở là làm mất uy tín đối với chủ nhà và có thể gây ra hiểu lầm rằng: cho mình là người hay thay đổi hoặc thích tiện nghi.

Ở đây đòi hỏi người tông đồ phải biết thích nghi với hoàn cảnh và môi trường truyền giáo.

4/ "Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ...":

Trong trường hợp người ta từ chối không đón nhận thì người tông đồ không nên khư khư đòi ở lại, Chúa dặn phải " Phủi bụi chân " là vì theo phong tục người Do thái người ta quen giũ bụi chân mỗi khi họ từ đất dân ngoại về đất của mình. Cử chỉ này biểu lộ sự tuyệt giao vì họ không tiếp xúc với dân ngoại.

Nhưng ở đây Chúa muốn nhắc nhở rằng phủi bụi như vậy là để làm chứng sự tệ bạc ở nơi ấy không nhận ơn Chúa.

5/ "Các ông ra đi rao giảng sự thống hối":

Lãnh chỉ thị của Thầy song, các tông đồ đi khắp xứ Galilê giảng sự thống hối.

Vì công việc cứu chuộc chưa hoàn tất nên Chúa không dậy tông đồ giảng về Người. Điều đó Người sẽ dậy các ông rao giảng sau này khi Người đã chịu chết và sống lại, để chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế (Rm 1, 3 - 4; 1Cr 1, 23). Hiện nay Người muốn các ông rao giảng như Gioan tiền hô, là sự ăn năn sám hối và dạy người ta dọn lòng để xứng đáng lãnh ơn Cứu chuộc trong Nước Thiên Chúa.

6/ “Các ông trừ quỷ, sức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân":

Cũng như Thầy mình, các tông đồ chiến đấu với ma quỷ để chứng minh rõ ràng Nước Thiên Chúa là Nước thiêng liêng, Nước mà các ông đang sửa soạn bằng lời giảng và việc xua đuổi ma quỷ.

Các ông cũng chữa khỏi bệnh tật cách khác thường. Nhưng cách chữa của các ông khác với Chúa Giêsu ở chỗ: Chúa Giêsu chữa bệnh bằng một cử chỉ, lời nói (Mc 5, 42) còn các ông dùng việc xức dầu.

Xức dầu để chữa bệnh là một việc quen làm ở bên Đông Phương vào thời Chúa Giêsu (Lc 10, 34). Nhưng ở đây các tông đồ không làm theo như một lương y mà theo như một phép lạ, vì xức dầu chỉ là một hình thức mà kết quả vượt quá sự tự nhiên đó.

Qua việc trừ quỷ và xức dầu cho bệnh nhân, Chúa Giêsu muốn gắn liền hiệu quả siêu nhiên cho xác và cho hồn vào với một nghi thức bề ngoài. Ở đây ám chỉ bí tích xức dầu thánh (Ga 5, 14 - 15).

III. ÁP DỤNG:

A/ Áp dụng theo Tin Mừng:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, phụng vụ muốn nhắc nhở cho mọi thành phần trong Giáo Hội phải ý thức cách tích cực hơn về sứ mệnh tông đồ truyền giáo của mình trong xã hội ngày nay.

Lời Chúa Giêsu dặn bảo các Tông đồ cũng là lời Chúa nhắn nhủ mỗi người tông đồ chúng ta hôm nay phải thực sự biết từ bỏ mọi dính bén làm cản trở việc tông đồ truyền giáo của mình.

Chúng ta có thể thi hành sứ mệnh tông đồ dưới nhiều hình thức:

* Tông đồ bằng đau khổ: không rao giảng, không hoạt động nhưng thinh lặng tế lễ cứu bao linh hồn như Chúa Giêsu hấp hối trên thánh giá, Đức Mẹ hấp hối trong tâm hồn dưới cây thánh giá.

* Tông đồ bằng những hy sinh: trong âm thầm như: hạt lúa chôn vùi mục nát đẻ sinh muôn ngàn hạt khác nuôi sống nhân loại.

* Tông đồ bằng chứng tích: đây là tang vật đáng tin.

* Tông đồ bằng tiếp xúc: tâm hồn chúng ta đã chẳng nóng bừng lên khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao? (Lc 24, 32).

* Tông đồ bằng tư tưởng: cầu nguyện.

* Tông đồ bằng lời nói: nâng đỡ người bạn đang lung lạc, an ủi kẻ sầu buồn.

* Tông đồ bằng bữa ăn: ăn là chuyện thường tình nhưng Chúa Giêsu ăn ở nhà Martha, ở nhà Simon, Giakêu... khác xa chúng ta. " Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến nhà này " (Lc 19, 9 .

* Tông đồ bằng thư từ: Phaolô ngồi trong tù vẫn viết thư cho các giáo đoàn, nhờ thế giữ vững và phát triển được đức tin của Giáo Hội sơ khai.

B/ Áp dụng thực hành:

1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:

Chúa Giêsu trao việc cho các Tông đồ và dặn dò kỹ lưỡng. Chúng ta trao hoặc nhờ ai việc gì cần phải tạo điều kiện và dặn dò kỹ lưỡng để công việc được thi hành kết quả.

Chúa sai từng hai Người đi đó là ý Chúa muốn cho người tông đồ phải biết giúp đỡ nhau, sống hợp nhất, huynh đệ.

Chúa dặn đừng mang gì: người tông đồ đừng quá lệ thuộc những gì bên ngoài, ngay cả những phương tiện cần dùng như cơm bánh, đồ dùng...

2/ Nhìn vào các Tông Đồ:

Các ông rao giảng sự thống hối: chúng ta thăm viếng, tiếp xúc, để giúp đỡ người ta trở lại, giúp cho kẻ tội lỗi, người lầm lạc, kẻ hư nết... được trở lại, cải thiện...

Các ông trừ quỷ, xức dầu: chúng ta giúp cho người lương trở lại, dạy giáo lý tân tòng, uốn nắn người mê muộn, khuyên bảo kẻ xấu...

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.